Bản Lác ngày nay đã là một điểm du lịch cộng đồng rất quen thuộc trong lòng du khách gần xa. Không phải là một nơi sầm uất, tấp nập, không hào hoa tráng lệ, không cao sơn mỹ vị mà tất cả đều dân dã, tự nhiên, gần gũi thân thiện khiến du khách một lần tới đây sẽ nhớ mãi không quên.

Bản Lác – Mai Châu: nơi in đậm bản sắc văn hóa người Thái trắng 5 dòng họ người dân tộc Thái sinh sống ở bản Lác là Hà, Lò, Vì, Mác, Lộc. Tới nay bản đã tồn tại được 700 năm. Trước đây dân bản chỉ sống dựa và nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm. Sau này, vẻ đẹp tiềm ẩn của bản Lác đã dần được du khách khám phá. Và cũng từ đó mọi người trong bản đều làm về du lịch và cái tên bản Lác là một trong những vùng trọng điểm về du lịch ở Mai Châu, rộng hơn nữa nhiều người ví nơi đây như một “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam.

ban-lac-mai-chau

Những năm trở lại đây, khách du lịch đến Mai Châu mỗi ngày một đông, chính vì thế dân bản thường bảo nhau sửa sang nhà cửa, như xây dựng nhà sàn và sử dụng các nguyên vật liệu cho ngôi nhà cũng được cải tiến (sàn gỗ công nghiệp, chân nhà có ốp xi măng…), các trang thiết bị trong nhà cũng hiện đại hơn, với mục đích để làm cho khách đến sống thấy thoải mái nhất. Tuy nhiên, những ngôi nhà sàn hiện nay không bị thay đổi quá nhiều mà vẫn giữ được cái “mộc” của nó.

Bên cạnh đó, người dân ở bản Lác cũng quan tâm hơn đến ẩm thực truyền thống của bản, thành lập những đội văn nghệ chuyên phục vụ khách tham quan. Từ chỗ chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm để mặc, phụ nữ trong bản đã tự làm nhiều đồ lưu niệm bán cho khách như dệt khăn quàng cổ, váy xòe Thái, vải treo tường có trang trí, dây đeo tay và những chiếc ví xinh xắn.

Theo đó, đàn ông Thái cũng “vào cuộc”. họ chế tác nhiều cung, nỏ, mõ trâu, chiêng, tù và sừng trâu, phách gỗ nhịp tre… để làm quà lưu niệm cho khách tham quan. Do vậy, nghề truyền thống, các sản phẩm thủ công đã và đang được bảo tồn và phát triển ở đây.

Hơn thế nữa, loại hình du lịch homestay – sống trong chính ngôi nhà của người dân cũng dần được du khách ưa chuộng, đặc biệt là khách quốc tế.
Mai Châu không chỉ quyến rũ du khách bằng vẻ đẹp mộc mạc của núi rừng, vẻ e ấp của những sơn nữ, mà còn hấp dẫn bởi những tấm lòng ấp áp nghĩa tình của người dân nơi đây.

du-lich-ban-lac-mai-chau

Mặc dù đã có nhiều năm làm dịch vụ du lịch, nhưng sự xô bồ của đồng tiền, của miếng cơm manh áo hầu như không làm mất đi sự thật thà, chân chất của những người dân tộc vùng núi này. Cung cách đón khách cũng là điều hấp dẫn với nhiều du khách, nhất là du khách nước ngoài.
Nhà sàn – “Khách sạn” của bản

Bản Lác là nơi cư trú của người dân tộc, nhưng ai đến đây cũng không khỏi bất ngờ bởi bản Lác có đường nhựa trải từ đầu bản đến tận sân từng nếp nhà sàn mộc mạc bằng gỗ.

Có những ngôi nhà sàn được du khách phong tặng là “khách sạn 3 sao, 4 sao”. Hiện tại ở bản Lác có 25 ngôi nhà sàn làm “khách sạn” được xây cất theo quy hoạch, mỗi “khách sạn” đều được đánh số theo thứ tự từ 1 đến 25. Du lịch gần như là nguồn thu chính của bà con nơi đây.
Nhà sàn ở bản Lác được dát bằng tre rộng mênh mông, cái nào cũng cao ráo, sạch sẽ và giữ được truyền thống kiến trúc cổ. Bên trong có đầy đủ chăn, đệm, gối được gấp ngăn nắp, gọn gàng. Sát cạnh sàn ngủ – nghỉ là sàn ngồi để ăn cơm và uống trà. Chỉ với mức giá 50.000 đồng/người, du khách đã có thể sở hữu một khoảng sàn chừng 1,2 x 2 m để ngả lưng qua một đêm. Lối sinh hoạt dân dã, ấm cúng phần nào gắn kết những con người lần đầu tiên gặp nhau trở thành thân quen, không ít người trong số họ đã trở thành tri kỷ.

Món ăn dân tộc đằm thắm như tình người nơi đây

Ghé thăm bản Lác, du khách không thể bỏ qua những món ăn đặc sản nơi này. du khách sẽ được chủ nhà mời ngồi trên chiếc chiếu hoa được đặt trang trọng ở giữa nhà. Sau đó khách sẽ được chủ nhà mời uống rượu cần, ăn cơm lam với thịt nướng, kèm theo rất nhiều món ăn dân tộc mà bất kỳ ai từng một lần nếm thử sẽ không thể nào quên như gà gói lá dong nướng, cá suối hấp, măng đắng xào, xôi nếp nương…

Đêm đến, du khách lại được hòa mình trong không gian của người Thái với những điệu xòe, những câu ca đằm thắm và điệu nhạc tình tứ, mê đắm lòng người hay cùng người bản địa nhảy sạp đến vã mồ hôi. Cứ mỗi khi kết thúc một làn điệu, cả chủ và khách lại cùng nhau tụ tập một góc để thưởng thức vị ngọt ngào của rượu cần ủ bằng các loại lá rừng. Trong ánh lửa bập bùng, những đôi má thiếu nữ như hồng hơn nhưng không phải bởi say men rượu mà là say tình người, say trước ánh mắt nồng nàn của khách lạ.

Đã từng ngủ lại nhà sàn ở những bản làng hẻo lánh xa xôi, nhưng chỉ một ngày đêm tại bản Lác có cái gì đó thật khó quên khi bốn bề gió lùa, sương giăng trước mặt và vách núi dựng âm u. Đâu đó trong đêm, vang lên tiếng thì thầm tâm sự của những con người mới đây thôi còn lạ bỗng chốc trở thành thân quen. Cuộn mình trong chiếc chăn thổ cấm ấm áp, tôi cứ nghĩ lan man về một vùng rừng núi, nơi những người dân bản hiền lành, thật thà làm du lịch giỏi và một nền tảng văn hóa dân tộc phong phú. Bấy nhiêu thôi cũng quá đủ để Mai Châu vẫy gọi du khách bốn mùa, bốn phương.

xoe-thai-mai-chau